RỐI LOẠN TÂM THẦN
- Các rối loạn tâm thần
- Sức khỏe tâm thần người già
- Động kinh
- Trầm cảm
- Rối loạn giấc ngủ
- Stress
- Rối loạn tăng động giảm chú ý
PHÒNG CHỐNG MA TÚY
ĐIỀU TRỊ VÀ PHCN
- Thông tin thuốc và điều trị
- Các liệu pháp tâm lý
- Chương trình PHCN
- Chữa bệnh bằng y học cổ truyền
- Phòng chống tự sát
- Tư vấn
- Lối sống
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
QUAN HỆ QUỐC TẾ
ĐỘI NGŨ CHUYÊN MÔN
TIN TỨC SỰ KIỆN
VIDEO
HOA NGHỆ THUẬT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người online:68
Tổng truy cập:
Hôm nay: 2449
Tổng số:3937325
Nỗi buồn mang tên trầm cảm!
Trầm cảm đang được coi là một bệnh thời hiện đại, khi ngày càng có nhiều người phải tìm đến liệu pháp tâm lý bởi không vượt qua được những áp lực nặng nề của cuộc sống. Tìm đến Bệnh viện Tâm thần, tận mắt thấy nơi điều trị cho người mắc căn bệnh này, mới thấu hiểu ở đó phía sau mỗi số phận đang mang theo nhiều nỗi đau.
Người trẻ trước áp lực cuộc sống
Thầy thuốc Ưu tú Tô Thanh Phương lật giở cho chúng tôi xem những cuốn bệnh án, mà nhiều người trong số họ, đã tỏ ra mong manh "dễ vỡ" khi gặp những biến cố không thuận trong cuộc đời, rơi vào căn bệnh trầm cảm.
Gương mặt xinh xắn, làn da trắng ngần, cô gái 19 tuổi Quỳnh Anh ngồi thu mình ở góc giường khoa Cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội). Khi TS Tô Thanh Phương xuất hiện, Quỳnh Anh vùng dậy chạy lại ôm lấy ông: "Chú ơi, hãy cho con được về nhà". TS Phương vỗ về: "Con yên tâm, con sẽ sớm được ra viện".
Quỳnh Anh là cái tên mới do TS Phương đặt với mong muốn giữ bí mật cuộc sống cho tương lai mai sau của những người mắc trầm cảm như em. Rất khó khăn để trò chuyện với Quỳnh Anh, ánh mắt em không hề nhìn người đối diện, cũng như biểu lộ cảm xúc. Đang ở độ tuổi đẹp nhất, và hiện là sinh viên của một trường đại học đóng tại Thủ đô, Quỳnh Anh bỗng nhiên thay đổi tâm tính, ăn ngủ thất thường. Có những đêm em chong đèn tận 4-5 giờ sáng vẫn chưa đi ngủ, bởi hễ nằm xuống là gặp ác mộng. Em thường khóc lóc, nói một mình. Giữa lúc bạn bè nhận ra cách sống bất bình thường, hoang mang chưa biết giải cứu em bằng cách nào thì họ choáng váng nhận tin: Quỳnh Anh dùng dao cứa cổ tay tự tử. Rất may hành động dại dột em thực hiện trong một ngày cuối tuần về quê được bố mẹ phát hiện kịp thời. Quỳnh Anh nhập viện, được xác định bị rối loạn tâm thần (một dạng trầm cảm nặng). Góp nhặt những câu chuyện qua mỗi lần Quỳnh Anh gắng gượng mở lòng, TS Phương cho rằng, nguyên nhân em không vượt qua những trở ngại trong cuộc sống là do bị một chàng sinh viên học trên một khóa chặn đường đưa ra những lời xúc phạm và dọa dẫm, khi em từ chối việc anh ta ngỏ lời yêu để dành thời gian cho việc học hành.
Khác với Quỳnh Anh, chàng trai tên Hồng Công, sinh năm 1992, đang điều trị tại khoa Cấp tính nam đưa ánh mắt sắc lẹm về phía chúng tôi. Vẻ mặt em trở nên lầm lì, dữ dằn hơn khi chúng tôi bắt chuyện. Theo lời kể của mẹ em, từ nhỏ đến lớn Công vốn tính tình hiền lành, biết yêu thương, quan tâm đến người thân. Cách đây hai năm, khi em thi đậu vào Đại học Công nghiệp gia đình đã mổ lợn ăn mừng rất to. Thật không ngờ, vào đại học một thời gian cậu học hành sút kém hẳn bởi suốt ngày chơi game online đến quên ăn, quên ngủ. Hậu quả là Công phải bỏ học giữa chừng do nhiều môn không đủ điều kiện thi lại. Công trở về nhà trong tâm trạng chán nản, xa lánh mọi người. Thấy con luôn sống trong âu sầu, thức trắng đêm đến gầy còm, bố mẹ động viên, an ủi thì bất ngờ bị cậu con trai phản ứng lại bằng những lời lẽ hỗn hào. Mức độ quậy phá của chàng trai ngày càng nặng, ban đầu là đập phá, la hét ầm ĩ, về sau Công nhiều lần cầm gậy gộc lao vào tấn công người thân. Nhận ra con trai mình "có vấn đề về tâm thần", gia đình đành gạt nước mắt, người giữ chân, người giữ chặt tay, áp tải em lên xe đưa đi bệnh viện chữa trị. Tại đây, Công được chẩn đoán bị trầm cảm nặng có loạn thần sau nghiện game online, do sống theo nhân vật trong trò chơi.
Tại khoa Cấp tính nam này, chúng tôi còn gặp nhiều bệnh nhân từng rất thành đạt trong nghề nghiệp, nhưng rồi họ không thể tiếp tục đảm đương được công việc do bị mắc bệnh trầm cảm bởi làm việc quá sức, hoặc quá lo lắng, căng thẳng trước áp lực của cuộc sống.
Người mắc trầm cảm ngày càng nhiều
Cách đây hơn 15 năm, khi Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương ra đời, những người sáng lập hồi ấy: cố Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Giáo sư Nguyễn Việt đã cho rằng: Các vấn đề tâm thần sẽ là những vấn đề lớn trong y tế của thế kỷ 21, bên cạnh các vấn đề tim mạch và ung thư.
Xã hội ngày càng phát triển thì tỷ lệ người mắc trầm cảm càng gia tăng do áp lực của cuộc sống đè nặng. Ở Việt Nam, theo một số chuyên gia, rối loạn trầm cảm chiếm từ 2,8 đến 6,5% dân số. Đa số bệnh nhân trầm cảm nặng phải vào viện điều trị thuộc lứa tuổi từ 18 đến 44. Hậu quả mà căn bệnh này để lại hết sức nặng nề, đó là mất khả năng lao động, học tập và sáng tạo, nguy hiểm nhất là tỷ lệ người mắc tìm cách tự sát cao. Đã có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân phát sinh bệnh trầm cảm, nhưng cho đến nay giới y học vẫn chưa khẳng định được đâu là nguyên nhân chính. Song người ta phát hiện các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trầm cảm, đó là bệnh xuất hiện sau các sự kiện phức tạp của cuộc sống như: học tập quá căng thẳng không có thời gian nghỉ ngơi, thi trượt, thất bại trong tình yêu, hoặc phải sống trong môi trường căng thẳng về tâm lý như bạo lực gia đình, bố mẹ ly hôn, không hề quan tâm đến những tâm sự của con cái. Ở một bộ phận người trẻ tuổi có cuộc sống thiếu lành mạnh như: ngày đêm vùi đầu vào các trò chơi điện tử (game online), dùng chất kích thích... cũng là nguyên nhân phát bệnh trầm cảm. Ở những người đã trưởng thành hơn về mặt tâm lý như một số doanh nhân, công chức do đặt ra cho mình những nấc thang danh vọng quá cao, một khi không đạt tới đã dẫn đến buồn chán, sinh ra bệnh trầm cảm...
Có thể tránh được những tác hại nặng nề của bệnh trầm cảm nếu như người bệnh được điều trị kịp thời bằng liệu pháp tâm lý. Vậy nhưng, theo TS Tô Thanh Phương, nhiều trường hợp chỉ được đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị sau khi đã được cứu sống ở khoa cấp cứu của một bệnh viện nào đó, do bệnh nhân bị trầm cảm nặng đã đi tìm cái chết. "Theo tôi, ở một số gia đình có sự thiển cận, sợ mất danh dự nên khi có con cái bị sang chấn tâm lý đã không đưa vào khám, hoặc điều trị tại bệnh viện tâm thần. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho căn bệnh trầm cảm tăng cao và trở thành mạn tính, khiến người bệnh không khỏi hoặc phải uống thuốc cả đời" - TS Phương cho biết. Nói thêm về lý do để cánh cửa bệnh viện tâm thần vẫn xa xôi, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng: "Nhiều người thường tìm đến bệnh viện tâm thần khi đã qua các bệnh viện khác chữa mà không khỏi bệnh. Trong khi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung lại ở khá xa người dân, mà lẽ ra khoa tâm thần phải nằm trong các bệnh viện đa khoa, nhưng lại được chia tách ra ở khá xa các khu dân cư khiến cho người bệnh khó tiếp cận với việc khám, chữa bệnh".
Từ kinh nghiệm của một người đã nhiều năm đau đáu với căn bệnh hiểm ác này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đưa ra lời khuyên: "Các bậc cha mẹ cần rèn cho con mình từ bé về nhân cách, nhất là tính tự lập, tự chủ. Đừng bao bọc các cháu quá kỹ, để sau này khi trưởng thành các cháu có đủ nghị lực để sống độc lập, tự mình chấp nhận và vượt qua thử thách một cách vững vàng. Thanh thiếu niên cần được giáo dục và rèn luyện tốt hơn về mặt tâm lý khi đứng trước các khó khăn của cuộc sống như: thất bại trong học tập, thi cử, không xin được việc làm, thua lỗ, nợ nần trong sản xuất, kinh doanh... Chẳng có cách nào khác là đứng dậy mà đi, không gục ngã về tinh thần trước nhịp sống ngày càng hối hả, khẩn trương và nhiều thử thách có khi là những sức ép rất mạnh. Hãy sống, học tập và làm việc khoa học, hợp lý, lành mạnh để tránh xa căn bệnh trầm cảm".
Theo Nhân dân cuối tuần - Chủ nhật, 25/01/2015 - 10:50 AM (GMT+7)
Gọi ngay 043. 6275762 để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!
Thông tin liên quan
- Yêu cầu báo giá
- THÔNG BÁO TUYỂN SINH
- BỆNH VIỆN TÂM THẦN BAN NGÀY MAI HƯƠNG ĐƯỢC SỞ Y TẾ HÀ NỘI CHẤP THUẬN ĐÀO TẠO THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO NGHỊ ĐỊNH 96/2023.
- Sức khỏe tinh thần hay sức khỏe tâm thần cũng cần được chăm sóc không kém gì vẻ bề ngoài của bạn.
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ BỊ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
- Cách quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại gia đình, cộng đồng
- Cảm xúc tiêu cực
- NGHIỆN CỜ BẠC: TỶ LỆ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
- Xét nghiệm gene có chẩn đoán được rối loạn phổ tự kỷ
- Bổ nhiệm Phó Giám đốc mới tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương