RỐI LOẠN TÂM THẦN
- Các rối loạn tâm thần
- Sức khỏe tâm thần người già
- Động kinh
- Trầm cảm
- Rối loạn giấc ngủ
- Stress
- Rối loạn tăng động giảm chú ý
PHÒNG CHỐNG MA TÚY
ĐIỀU TRỊ VÀ PHCN
- Thông tin thuốc và điều trị
- Các liệu pháp tâm lý
- Chương trình PHCN
- Chữa bệnh bằng y học cổ truyền
- Phòng chống tự sát
- Tư vấn
- Lối sống
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
QUAN HỆ QUỐC TẾ
ĐỘI NGŨ CHUYÊN MÔN
TIN TỨC SỰ KIỆN
VIDEO
HOA NGHỆ THUẬT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người online:68
Tổng truy cập:
Hôm nay: 2449
Tổng số:3937325
Chương trình Sức khoẻ Tâm thần Học đường.
1/ Tên dự án: Chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học thành phố Hà nội
2/ Địa điểm thực hiện dự án: 6 trường học tại 3 quận/huyện của Hà Nội: Đống Đa, Hai Bà Trưng và Từ Liêm.
3/ Cơ quan quản lý điều hành DA:
Sở Y tế Hà nội
Địa chỉ: Số 4 Sơn tây, Ba Đình, Hà nội.
Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Quốc tế Địa chỉ: Level 2, Bolte WingSt. Vincent`s Hospital Nicholson, Victoria 3065 Australia
4/ Cơ quan thực hiện dự án:
Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương
Địa chỉ: Số 4 phố Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
5/ Thời gian thực hiện chương trình dự án: 24 tháng (1/2005 đến 1/2007)
6/ Mục tiêu của dự án:
Khảo sát đánh giá thực trạng các vấn đề sức khỏe tâm thần học sinh Tiểu học trên một mẫu nghiên cứu tại Hà Nội.Xây dựng mạng lưới can thiệp sớm, tuyên truyền giáo dục, bảo vệ và căm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em tuổi học đường tại các tuyến y tế cơ sở và tại Bệnh viện Mai Hương.
7/ Nội dung chủ yếu:
Nghiên cứu tỉ lệ thường gặp các vấn đề sức khoẻ tâm thần trong số các học sinh tiểu học và trung học tại một số trường học tại Hà Nội.
Tư vấn và can thiệp sớm cho những học sinh có vấn đề sức khoẻ tâm thần
Vạch ra kế hoạch can thiệp với mục đích cải thiện sức khoẻ tâm thần và ngăn ngừa mắc bệnh tâm thần trong số học sinh trường học, và đảm bảo các học sinh này được điều trị và chăm sóc một cách thích hợp tại các phòng khám cơ sở hoặc tại bệnh viện Mai Hương.
Những hoạt động can thiệp nhằm thúc đẩy sức khoẻ tâm thần gồm có:
+ Tập huấn cho những cán bộ đảm nhận công tác tập huấn:
+Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho giáo viên
+Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho cha mẹ học sinh
+Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế trường học và nhân viên y tế cộng đồng
+Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho cán bộ lãnh đạo các cấp
Đề ra kế hoạch đánh giá chính xác tác động can thiệp của dự án. Bàn bạc tìm thêm nguồn kinh phí để tiến hành đánh giá chi tiết.
Tổ chức các buổi hội thảo để lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch và đánh giá kết quả của dự án.
I/Sự cần thiết phải có dự án
1/ Tình hình sức khoẻ tâm thần trẻ em hiện nay:
Trên thế giới, có tới 7 đến 10% trẻ em và thanh thiếu niên mắc phải các rối loạn tâm thần cần điều trị.Tỉ lệ này cao hơn ở các vùng đô thị đông dân có nhiều yếu tố xã hội không thuận lợi, đặc biệt ở tuổi dậy thì. Những trạng thái tâm lý bệnh học trẻ em thường gặp là:
Hành vi gây rối và chống đối xã hội (những rối loạn bên ngoài) – tỉ lệ mắc là 3-5%
Rối loạn cảm xúc ( những rối loạn bên trong) – tỉ lệ gặp là 2-5%
Những trở ngại tâm lý và rối loạn dạng cơ thể – chiếm 1-3%
Hiếm gặp hơn là các rối loạn tâm thần trẻ em và rối loạn sự phát triển nói chung ( bệnh tự kỷ) – gặp 0,1%
(Theo MJA practice esentials-Edited by Nicholas A Keks and Graham D Burrows)
Những rối loạn hành vi gây rối và chống đối xã hội thường gặp ở trẻ trai nhiều gấp 2 đến 3 lần trẻ gái. Tỉ lệ giữa nam và nữ tương đồng hơn với các rối loạn cảm xúc. Trẻ gái lại hay gặp trầm cảm và chứng biếng ăn nhiều hơn so với trẻ trai. Trẻ chậm phát triển trí tuệ và trẻ có bệnh não thực tổn mãn tính có nguy cơ rất cao làm phát sinh những rối loạn cảm xúc và hành vi.
Những rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm) làm giảm sút đáng kể sự phát triển và khả năng học của trẻ. Khám phát hiện các nguy cơ tự sát nhằm đảm bảo an toàn cũng là một bước đầu tiên quan trọng trong điều trị. Thăm khám cho trẻ bao gồm nói chuyện với trẻ,với bố mẹ trẻ và sự bổ sung thêm thông tin từ giáo viên là rất cần thiết. Các trị liệu tâm lý và tập huấn gia đình thường mang lại hiệu quả đáng kể, bên cạnh đó các thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của BS chuyên khoa có thể cũng rất cần thiết. Thuốc kích thích có giá trị trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Đồng thời, những biện pháp đề cao lòng tự trọng của cá thể và chức năng gia đình giúp phục hồi bệnh nhanh chóng.
Các rối loạn hành vi gây phá vỡ nghiêm trọng sự phát triển về mặt xã hội và có thể dẫn tới mắc các chứng bệnh tâm thần về lâu dài. Can thiệp sớm, với trọng tâm là giải quyết các xung đột gia đình và những rắc rối trong quan hệ của bố mẹ trẻ, giúp ngăn ngừa hữu hiệu những hậu quả có hại về sau.
Việt nam có dân số xấp xỉ 78 triệu trong đó trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50%. Tuy nhiên, hiểu biết của dân chúng về vấn đề chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em còn nghèo nàn, chỉ có một số lượng nhỏ nhân viên làm việc trong hệ thống này và những nhân viên này còn thiếu những kĩ năng cần thiết.
Tiềm lực của mỗi con người có một mức độ khác nhau. Sự khác nhau này dựa trên hai yếu tố chủ yếu: yếu tố di truyền và yếu tố giáo dục, trong đố yếu tố giáo dục có ý nghĩa hết sức tích cực. Nói đến sức khoẻ không chỉ là nói đến một cơ thể hoàn chỉnh không có bệnh mà còn là sức khoẻ của tinh thần, trí tuệ, là cơ sở cho một tâm hồn đẹp, lòng dũng cảm, năng lực sáng tạo, tính kiên quyết, sự tự chủ ... phát triển không ngừng. Sức khoẻ là vốn quý cho toàn xã hội. Để có sức khoẻ cần phải làm nhiều việc trong đó chăm sóc sức khoẻ tâm thần là hết sức cần thiết đặc biệt là lứa tuổi học đường.
Trong một bối cảnh xã hội đang có sự chuyển đổi mà quan trọng hơn là trong bối cảnh của mọi gia đình trong xã hội cũng đang có chuyển đổi thì thực hiện một dự án chăm sóc sức khoẻ tâm thần học đường càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Chăm sóc sức khoẻ lứa tuổi học đường cần có sự quan tâm phối hợp giữa nhà trường, gia đình và ngành y tế mới mong mang lại hiệu quả cao nhất cho sự hình thành, phát triển trí tuệ, nhân cách và thể lực của lứa tuổi học đường.
Tiếp tục đi theo chiến lược của ngành tâm thần học và y tế học đường, sức khoẻ tâm thần học đường đến nay đã được cải thiện đáng kể, song vẫn là chủ đề mới, sự quan tâm mới chỉ là bước đầu."Chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học thành phố Hà nội" là một dự án có ý nghĩa rất lớn về phương diện thực tiễn nhằm phát hiện sớm những vấn đề sức khoẻ tâm thần tuổi học đường và đề xuất những biện pháp can thiệp thích hợp. Có như vậy mới trồng được một thế hệ khoẻ về thể chất, mạnh về tinh thần, giỏi về chuyên môn, vững về nhân cách, có sức sáng tạo, kế tục sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển đi lên.
2/ Sức khoẻ tâm thần học sinh trường học:
Mọi trẻ em có quyền hưởng chăm sóc y tế toàn diện trong đó sức khoẻ tâm thần của các em cần được coi trọng như sức khoẻ thể chất.
Nhưng giải pháp để có thể thực hiện được mục tiêu đó là gì? Một trong các nguyên tắc chủ yếu là: Nâng cao nhận thức cho cha mẹ, giáo viên, các lãnh đạo ngành giáo dục và y tế để có một mối liên kết vững chắc cùng nhau mang lại lợi ích sức khoẻ tâm thần cho thế hệ tương lai của đất nước trên bước đường đi lên của thời đại tri thức và trí tuệ.
Trong khi hiện nay đang có những sự hợp tác tích cực hướng tới lợi ích cho mọi trẻ em, thì chăm sóc sức khoẻ tâm thần học đường cần rất nhiều nỗ lực của các nhà chức trách trước khi các chính sách chiến lược được thể chế hoá, ví dụ: Lồng ghép hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần học đường vào chăm sóc y tế học đường nói chung hoặc có nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho trẻ có vấn đề sức khoẻ tâm thần và cải tiến chương trình đào tạo cho giáo viên.
Hệ thống trường học luôn phải đương đầu với các đối tượng học sinh có vấn đề về sức khoẻ tâm thần: những học sinh học kém, học sinh cá biệt thường gây nhiều rắc rối do những phản ứng khác nhau cho giáo viên và gia đình mà chủ yếu là do mức độ nhận thức của giáo viên, gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Bởi vì, mỗi ngành mỗi chuyên khoa dù nhiều ít đều có tính đặc thù, khoa tâm thần học lại mang những nét khác biệt rất riêng với các chuyên khoa khác mà không phải ai cũng sẵn sàng tìm hiểu. Song, dù muộn còn hơn không, ngay từ bây giờ, vì lợi ích bảo vệ sức khoẻ cho chính chúng ta và con em chúng ta, hàng rào định kiến phải được phá bỏ. Các vấn đề sức khoẻ tâm thần cần được nhận biết sớm ngay từ khi có nguy cơ.
Thực tế cho thấy, trong nhà trường luôn luôn có một tỉ lệ học sinh có vấn đề về sức khoẻ tâm lý tâm thần. Theo một khảo sát cắt ngang tại Việt nam là 15, 94%, khảo sát cắt dọc trong 1 năm học là 1,6% các em có rối nhiễu về tâm lý trong tổng số học sinh các cấp học (Nội san tâm thần học, số 5, tháng 1/2001, trang 103, bài "nghiên cứu xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm lý-tâm thần cho học sinh phổ thông ở Đồng nai"). Nghiện ma tuý ở trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 8% (Bùi Đăng Dũng, Tìm hiểu nhân tố tâm lý xã hội ở một số học sinh trung học sử dụng ma tuý. Đề tài NCKH cấp thành phố, Hà nôi, 1998). Lạm dụng chất đang tăng nhanh chóng, với số thanh thiếu niên chiếm 70% số người nghiện. Trong số các ca tự sát, 10% ở độ tuổi 10 đến 17 (Hoàng Cẩm Tú, RLTT trẻ em VN, 1996).
Tri thức là sức mạnh. Quan tâm đến sức khoẻ tâm thần học sinh trường học không chỉ là quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ toàn diện mà còn là khơi dậy tiềm năng sức khoẻ của tinh thần, trí tuệ và không nằm ngoài sự nghiệp vun trồng nguồn lực tri thức cho tương lai.
3/ Sức khoẻ tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội:
Việt nam đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, tiết tấu cuộc sống theo đó tăng nhanh, đồng nghĩa với việc áp lực công việc nặng nề hơn cho mọi đối tượng. Người dân thủ đô Hà nội không nằm ngoài bối cảnh đó. Rõ ràng là, trẻ em vô tình đã bị đẩy vào những tình huống buộc phải tự lập cũng như phải đối mặt với quá nhiều tác động có hại do mặt trái của nền kinh tế thị trường, trong khi các em không có cơ hội được trang bị đủ những kiến thức cần thiết về tâm lý.
Qua nhiều năm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em Hà Nội, bệnh viện TTBN Mai Hương đã giúp cho nhân viên bệnh viện hiểu rõ tình hình chung và rút ra được những kinh nghiệm phù hợp cho hoạt động sắp tới của một dự án cùng loại. ở bất kỳ nơi nào được khảo sát, phụ huynh và giáo viên thường rất ủng hộ và đánh giá cao vai trò của dịch vụ này, nhất là khi đã hiểu được thực chất và sự cần thiết của vấn đề.
Nghiên cứu tại Hà nội, trong 21.960 thanh thiếu niên đã phát hiện 3,7% các em có rối loạn hành vi thoả mãn các tiêu chuẩn ICD 10 (Nhận xét về yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên-Thạc sĩ Đinh Đăng Hoè; PGS Nguyễn Viết Thiêm-Nội san tâm thần học số 4/2000, trang 41).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học, với ưu điểm dễ áp dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của công chúng và của hầu hết các trường học tại Hà nội, dự án một khi triển khai sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ tâm thần cho học sinh trường học tại Hà nội, tìm ra những yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đề ra biện pháp can thiệp sớm, đồng thời nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh và trách nhiệm của mỗi người trong việc nuôi dạy và chăm sóc các em, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ.
II/ Các mục tiêu của dự án
1/Mục tiêu dài hạn:
Thành lập mô hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học có thể nhân rộng về sau.
2/Mục tiêu ngắn hạn:
Khảo sát đánh giá thực trạng các vấn đề sức khỏe tâm thần học sinh trường học trên một mẫu nghiên cứu tại Hà Nội.
Xây dựng mạng lưới can thiệp sớm, tuyên truyền giáo dục, bảo vệ và căm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em tuổi học đường tại các tuyến y tế cơ sở, y tế trường học và tại Bệnh viện Mai Hương.
III/ Các kết quả mong đợi
1. Xây dựng được bộ câu hỏi phù hợp, là công cụ sàng lọc trẻ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần trong số học sinh trường học Việt nam.
2. Tập huấn các nhân viên y tế trường học và nhân viên y tế phường tại địa bàn của 6 trường học thuộc 3 quận/huyện tại Hà Nội.
3. Tổ chức các buổi hội thảo tại bệnh viện cho lãnh đạo chủ chốt của Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Giáo dục, Uỷ ban Nhân dân phường và đại diện các ban, ngành, đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về sức khoẻ tâm thần và chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học.
4. Thành lập khoa (phòng) trị liệu tâm lý nằm trong bệnh viện Mai Hương để tư vấn, khám chữa bệnh cho các đối tượng học sinh trường học có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
5. Xây dựng một mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học nhằm can thiệp sớm bằng thuốc hoặc trị liệu tâm lý, tư vấn các phương pháp dự phòng và kiểm soát các vấn đề sức khoẻ tâm thần.
6. Huy động được sự phối hợp liên ngành giữa ngành giáo dục với chuyên ngành tâm thần trong công tác y tế học đường.
7. Huy động tối đa thái độ tham gia tích cực của gia đình, trường học và công chúng vào việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần .
8. Phát triển và hoàn chỉnh một số tài liệu hướng dẫn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam cho các nhân viên y tế về khám phát hiện, tư vấn và can thiệp sớm các vấn đề sức khoẻ tâm thần học sinh trường học.
9. Chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh trường học nhằm giúp học sinh nhà trường có quyền được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong hệ thống giáo dục phổ thông để phát triển đúng hướng về nhân cách, tài năng và các khả năng về mặt tâm hồn và thể chất của mình.
IV Mô tả các hoạt động của dự án
5.1 Giai đoạn 1: Xác định địa điểm triển khai dự án và điều tra cơ bản
5.1.1 Xác định địa điểm triển khai dự án:
Tiêu chí lựa chọn điểm dự án:
(a) Lãnh đạo phòng giáo dục và cơ sở trường học quan tâm và mong muốn tham gia.
(b) Cơ sở trường học có phòng y tế và nhân viên y tế trường học.
(c) Số lượng học sinh trường học phù hợp với quy mô khảo sát của dự án.
(d) Khảo sát học sinh các khu vực cả nội và ngoại thành giúp đánh giá sự khác biệt giữa các vùng, tính khách quan và khả năng nhân rộng của dự án.
Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương có nhiệm vụ chọn lựa vị trí dự án. Trong số các quận/huyện thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục Hà Nội, 6 trường học tại 3 quận/huyện là Hai Bà Trưng, Đống Đa và Từ Liêm đáp ứng được các tiêu chí trên sẽ được chọn để thực hiện dự án.
5.1.2 Thiết lập cơ chế quản lý dự án:
Thành lập Ban chỉ đạo dự án
Trung tâm Sức khỏe tâm thần Quốc tế và Sở Y tế Hà nội là các cơ quan điều phối dự án, nhằm mục đích phối hợp với các cơ quan liên ngành (VD: ngành giáo dục) tham gia trong các hoạt động của dự án. Các thành viên của Ban bao gồm lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Lãnh đạo Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Quốc tế, Lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội, Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối chung toàn bộ các hoạt động dự án, tiến hành họp ban 6 tháng 1 lần để xem xét đánh giá các hoạt động dự án cũng như thông qua kế hoạch cho 6 tháng tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết, trưởng ban có thể triệu tập họp bất thường. Chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo dự án ở phần phụ lục.
Ban quản lý dự án
Để giúp cho Ban chỉ đạo dự án quản lý và triển khai thực hiện các hoạt động của dự án. Một Ban quản lý dự án được thành lập, trong đó Giám đốc BV tâm thần Mai Hương làm trưởng ban, Phó giám đốc thường trực làm phó ban, đại diện phòng TC KT của Bệnh viện và thư ký dự án. Chức năng nhiệm vụ của các thành viên Ban quản lý dự án ở phần phụ lục của dự án.
Ban điều hành dự án tại cơ sở
Ban điều hành dự án tại cơ sở do một lãnh đạo Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương làm trưởng ban. Các thành viên của Ban bao gồm Đại diện lãnh đạo các Phòng giáo dục tại 3 quận/huyện, lãnh đạo UBND phường sở tại, lãnh đạo các trường học thuộc diện khảo sát của dự án. ban điều hành sẽ tiến hành họp 3 tháng 1 lần để kiểm điểm việc thực hiện hoàn thành các hoạt động trong quý và sắp xếp kế hoạch cho quý tiếp theo.
Đội dự án tại trường học
Đội này do lãnh đạo UBND phường sở tại làm trưởng ban. Đội bao gồm các thành viên là các nhân viên y tế trường học, các giáo viên chủ nhiệm lớp học, trưởng ban phụ huynh của các lớp học, trạm trưởng y tế phường sở tại.
5.1.3 Khảo sát sơ bộ
Một nhóm nghiên cứu gồm các Bs chuyên khoa, Cử nhân tâm lý thuộc BVTT Ban ngày Mai Hương sẽ tiến hành một cuộc khảo sát sơ bộ (trước khi khảo sát cơ bản và can thiệp). Mục đích của khảo sát này là để nhằm chỉnh lý, xây dựng bộ câu hỏi sàng lọc những trẻ em có vấn đề về SKTT đồng thời đánh giá kiến thức, thái độ của cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ y tế và chính quyền địa phương đối với SKTT và chăm sóc SKTT học sinh trường học : Vai trò của họ trong giải quyết vấn đề này và những nhu cầu của họ để giúp đỡ tốt hơn cho các học sinh có vấn đề SKTT. Công cụ nghiên cứu này cũng sẽ được sử dụng trong cuộc khảo sát sau can thiệp.
Đối với nhân viên y tế trường học và nhân viên y tế cơ sở, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai điều tra và thảo luận nhóm với họ để tìm hiểu kiến thức, thái độ đối với SKTT và chăm sóc SKTT học sinh trường học: Họ thường xử trí các đối tượng trẻ em có vấn đề về SKTT như thế nào, họ làm gì cho các em, sự phối kết hợp giữa y tế và trường học để giải quyết các vấn đề này, và xác định các thông tin, kỹ năng của người cung cấp dịch vụ y tế cần để cung cấp cho các em và gia đình những lời khuyên tốt nhất.
Dựa trên cơ sở danh sách các nhân viên y tế tại trường học và trạm y tế phường sở tại, các nghiên cứu viên sẽ lập kế hoạch đào tạo cơ bản nhằm mục đích chuẩn bị cho giai đoạn can thiệp. Ngoài ra, cán bộ dự án sẽ xem xét và phân tích hệ thống tài liệu hiện hành, hồ sơ bệnh án và những số liệu thống kê các dịch vụ đã có dành cho đối tượng là học sinh trường học.
Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Quốc tế sẽ tham gia vào quá trình nghiên cứu bằng cách đóng góp ý kiến cho những công cụ nghiên cứu, phương pháp chọn mẫu, tiếp xúc với các cán bộ chức trách của chính quyền địa phương, bình luận, phân tích kết quả nghiên cứu. Những kết quả khảo sát cơ bản này là cơ sở để thiết lập một chương trình tập huấn can thiệp và can thiệp sớm, phát triển và mở rông tài liệu hướng dẫn cho nhân viên y tế.
5.2 Giai đoạn 2: Can thiệp
1. Tập huấn cho nhân viên y tế tại các trường học và y tế phường sở tại
Bệnh viện TTBN Mai Hương sẽ phát triển một giáo trình huấn luyện bao gồm các tài liệu phát tay, tài liệu đọc để phát cho học viên. Các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về SKTT và CS SKTT , tình hình CS SKTT ở Việt nam và trên thế giới, cách để giúp những trẻ em có vấn đề về SKTT và các kỹ năng tư vấn. Kết quả của việc khảo sát sơ bộ sẽ được trình bày tại các buổi tập huấn để lấy ý kiến phản hồi và những thông tin từ cán bộ dịch vụ y tế nhằm rút ra một bức tranh toàn cảnh về công tác CS SKTT học sinh trường học. Chia sẻ những thông tin này là bước đầu tiên trong quá trình củng cố khả năng của những cán bộ y tế để đáp ứng được nhu cầu của công chúng.
Các học viên sẽ được học về các loại rối loạn tâm thần trẻ em bao gồm những hiểu lầm, thực trạng, nguyên nhân, mối liên quan giữa chăm sóc SKTT và y tế trường học, những chiến lược ngăn ngừa có hiệu quả nhất, các hướng dẫn và kỹ năng tư vấn cho gia đình, kỹ năng củng cố mối quan hệ khách hàng và người cung cấp. Đây là một trong những yếu tố của chất lượng chăm sóc y tế mà được Bộ Y tế nhấn mạnh gần đây.
2.Phát triển tài liệu hướng dẫn
Tiếp theo công tác tập huấn là việc phát triển các tài liệu hướng dẫn cho cán bộ y tế nhằm cải thiện sự đáp ứng của y tế đối với chăm sóc SKTT cho học sinh trường học. Một nhóm làm việc của bệnh viện Mai Hương bao gồm 3 nhân viên cung cấp dịch vụ y tế sẽ làm việc chặt chẽ với chuyên gia cố vấn của dự án để phát hành các tài liệu này. Những cán bộ y tế xây dựng tài liệu này phải là những người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tâm thần trẻ em. Lấy ý kiến đóng góp ý kiến của các học viên cho tài liệu này.
Tài liệu hướng dẫn này bao gồm các phần định nghĩa về SKTT, làm thế nào để nhận biết các vấn đề SKTT, sự can thiệp, danh sách các dịch vụ chuyên khoa sẵn có.
Tài liệu này được xem xét góp ý bởi Ban chỉ đạo dự án, các chuyên gia tư vấn và một số cán bộ y tế chủ chốt trước khi đưa vào áp dụng tại các Bệnh viện, phòng y tế trường học và y tế cơ sở.
3. Kế hoạch truyền thông
Để thiết lập một hệ thống dịch vụ cho trẻ em trường học, bệnh viện phối hợp với các phòng ban ngành giáo dục tổ chức 3 cuộc hội thảo tại 3 phòng giáo dục của 3 quận/huyện thuộc diện khảo sát. Những người tham dự bao gồm đại diện chính quyền địa phương, hiệu trưởng các trường học. Mục đích của những hội thảo này là nhằm nâng cao nhận thức của những người tham dự và kiến thức về các vấn đề SKTT, thảo luận một kế hoạch hợp tác giữa chuyên ngành SKTT với y tế trường học và y tế cơ sở để thiết lập một mạng lưới chăm sóc SKTT cho trẻ em tuổi học đường.
Nhóm tổ chức hội thảo cũng sẽ trình bày kết quả khảo sát cơ bản trước khi can thiệp và giới thiệu mô hình “mạng lưới chăm sóc SKTT học sinh trường học” sẽ được thành lập tại Hà nội mà cơ quan đầu não là BV Mai Hương nơi sẽ cung cấp các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa thích hợp cả về hoá dược và trị liệu tâm lý.
Bệnh viện TT Mai Hương sẽ lên kế hoạch trị liệu hàng tháng cho các trẻ có chỉ định và gia đình trẻ. Tổ chức tập huấn gia đình 6 tháng một lần và các gia đình có cơ hội chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Các nhà tâm lý và Bs chuyên khoa sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn cho các gia đình trẻ.
Ngoài những cuộc hội thảo, BV sẽ hợp tác với các cơ quan truyền thông (Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Trung tâm truyền thông GDSK) để tuyên truyền về CS SKTT trẻ em và quảng cáo các hoạt động dự án. BV sẽ ký hợp đồng phụ với Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội để sản xuất 2 băng video: Một băng về tình hình và phản ứng của cộng đồng và ngành y tế đối với thực trạng sức khoẻ tâm thần học sinh trường học trên thế giới, trên toàn Châu á và Việt nam. Video này sẽ được phát trên truyền hình vào lúc khởi đầu của dự án, vào ngày quốc tế Thiếu nhi, tại các buổi hội thảo và tập huấn. Một cuốn video báo cáo các hoạt động của dự án tại Hà Nội sẽ được phát trong năm thứ hai của dự án. Có một cuộc thảo luận bàn tròn được phát hình, những đại biểu tham dự bao gồm những lãnh đạo, chuyên gia về CS SKTT trẻ em, các cán bộ y tế và giáo dục với chủ đề tập trung vào việc nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm quản lý và tư vấn của y tế và các ban ngành có liên quan trong việc CS SKTT nhândân, tranh thủ sự ủng hộ tích cực của phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, các bài viết ngắn về hoạt động dự án sẽ gửi đăng các báo địa phương nhằm góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho tất cả các thành viên cộng đồng. Tờ rơi về vấn đề SKTT và CS SKTT cho học sinh trường học cũng sẽ được sử dụng cho mọi đối tượng tham dự để tăng sự quan tâm chú ý của nhiều người đối với CS SKTT.
5.3 Giai đoạn 3: Thành lập các cơ sở trị liệu tâm lý
5.3.1Cơ cấu tổ chức
Vào tháng thứ 6 của dự án, phòng trị liệu tâm lý tại BV Mai Hương và 6 cơ sở y tế thuộc địa bàn khảo sát của dự án được thiết lập. Phòng có 2 bàn làm việc, một để tiếp đón, quản lý hồ sơ tài liệu, một để tư vấn và khám bệnh. Các nhân viên làm việc bán thời gian. Phòng tư vấn phải đảm bảo được tính riêng tư.
Giám đốc BV TTT BN Mai Hương sẽ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của mạng lưới dịch vụ này.
5.3.2 Hoạt động
Những cán bộ y tế trong mạng lưới sẽ mời hội chẩn những ca khó để tìm ra những giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh và gia đình người bệnh. Trong trường hợp cần thêm những tư vấn có kinh nghiệm, BV sẽ cử thêm những chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm.
Tất cả các đối tượng có vấn đề về SKTT cần điều trị thì phải có bệnh án chi tiết về diễn biến, quá trình theo dõi lâu dài và một hồ sơ trị liệu nếu trẻ có chỉ định trị liệu tâm lý. Tiếp tục theo dõi cả khi người bệnh đã ra viện để tiếp tục trợ giúp cho trẻ và phục vụ cho thống kê sau 5 năm hoặc 10 năm tiếp theo.
5.4 Giai đoạn 4: Hội thảo đánh giá
5.4.1 Nghiên cứu đánh giá
Tiếp theo sự can thiệp, Bv Mai Hương sẽ tiến hành một cuộc khảo sát đánh giá (sau can thiệp), bao gồm thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu tương tự như cuộc khảo sát cơ bản được tiến hành trước khi có sự can thiệp này (trong giai đoạn 1) nhằm đánh giá hiệu quả tập huấn và tài liệu hướng dẫn cũng như hoạt động của mạng lưới can thiệp và các kết quả trong cộng đồng. Nhóm nghiên cứu do Giám đốc BV Mai Hương đứng đầu sẽ sử dụng các công cụ nghiên cứu tương tự như công cụ nghiên cứu sử dụng trong cuộc điều tra lần thứ nhất có bổ sung thêm một số câu hỏi. Trong giai đoạn này, các cán bộ nghiên cứu sẽ so sánh các chỉ số trước và sau can thiệp cũng như đo lường sự thành công của dự án. Một số chỉ số chính được sử dụng là:
Số lượng nhân viên y tế được tập huấn
Kiến thức và thái độ của nhân viên y tế đối với SKTT hs trường học
Tỉ lệ học sinh được sàng lọc, tỉ lệ được nhận biết và tiếp nhận sự can thiệp
Số lượng học sinh có vấn đề SKTT theo loại bệnh khác nhau
Số lượng học sinh có vấn đề SKTT được can thiệp thành công
Số lượng học sinh có vấn đề SKTT được tư vấn hoặc trị liệu tiếp theo
Số ca được khám
Số lượng/tỉ lệ những ca thành công
Hình thành hệ thống hỗ trợ địa phương và sự hoạt động của hệ thống này
Số lượng người bệnh được phát hiện qua hoạt động dự án
Số lượng người bệnh tự đến
Những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện dự án
Nhóm nghiên cứu cũng sẽ đánh giá sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, ngành giáo dục, cha mẹ người bệnh và cơ quan thông tin đại chúng với CSSKTT học sinh trường học và những thông tin về mạng lưới dịch vụ mới này.
Nhóm nghiên cứu cũng thu nhận góp ý để cải tiến nội dung những tài liệu hướng dẫn, xem xét mô hình mạng lưới can thiệp, những thành công đạt được, sự cần thiết phải cải thiện các hoạt động của mạng lưới, và những bài học kinh nghiệm thu nhận được.
Tổng số 40 cán bộ y tế sẽ được phỏng vấn. Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Quốc tế sẽ tham gia vào quá trình nghiên cứu bằng việc chuẩn bị danh sách các cán bộ y tế để phỏng vấn, chuẩn bị hậu cần và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc ở thực địa.
5.4.2 Hội thảo công bố kết quả dự án
Một cuộc hội thảo phổ biến sẽ được tổ chức để công bố kết quả của dự án, giới thiệu các thang đánh giá, công cụ sàng lọc và mô hình mạng lưới can thiệp. Cuộc hội thảo cũng sẽ thảo luận bài học kinh nghiệm từ các hoạt động của dự án và đánh giá sự cải thiện chất lượng màng lưới can thiệp hỗ trợ.Trên cơ sở góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo và khuyến nghị của hội thảo, BV Mai Hương sẽ đệ trình ban lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và Bộ Y tế để có thể mở rộng quy mô dự án và lồng ghép hoạt động này vào kế hoạch phát triển y tế học đường nói chung.
V Theo dõi, giám sát
Các thành viên của dự án, Ban chỉ đạo dự án, Ban điều hành dự án tại cơ sở sẽ tiến hành các chuyến đi theo dõi, giám sát trực tiếp dự án đang được triển khai như thế nào đồng thời hỗ trợ cho nhân viên y tế tháo gỡ những khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề SKTT học sinh trường học.
7. Kế hoạch triển khai thực hiện dự án
Giai đoạn 1: (3 tháng từ tháng 1/2005 đến tháng 3/2005) bao gồm các hoạt động sau đây:
Thiết lập nhóm nghiên cứu, thăm các cơ sở trường học đã chọn trước và chuẩn bị cho việc thực hiện dự án
Tiến hành điều tra cơ bản (tiền thử nghiệm): Xây dựng công cụ nghiên cứu, tiến hành tập huấn và khảo sát thực địa, phân tích số liệu
Chuẩn bị cho hội thảo và tập huấn cho cán bộ y tế, chính quyền địa phương, các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, đại diện ban phụ huynh các lớp.
Biên tập video, tài liệu tập huấn, tờ rơi
Giai đoạn 2: ( 6 tháng kể từ 4/1995 đến 9/2005) bao gồm các hoạt động sau đây:
Tổ chức 2 cuộc hội thảo cho lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo chính quyền địa phương thuộc địa bàn khảo sát và các hiệu trưởng
Tổ chức tập huấn tại các trường học. Sử dụng các công cụ nghiên cứu đã xây dựng từ giai đoạn 1 để tiến hành điều tra sàng lọc
Tổ chức khám bệnh, làm hồ sơ bệnh án
Chuẩn bị thành lập mạng lưới can thiệp, Ban tư vấn và nhân viên
Giai đoạn 3: (3 tháng kể từ 10/2005 đến 12/2005 ) bao gồm các hoạt động sau:
Sử dụng tài liệu hướng dẫn và phát tờ rơi tại các cơ sở y tế và trường học.
Tổ chức hội thảo sau 6 tháng can thiệp
Giai đoạn 4: (một năm kể từ 1/2006 đến 12/2006 ) bao gồm các hoạt động sau:
Sử dụng tài liệu hướng dẫn tại trường học và các cơ sở y tế
Duy trì mạng lưới can thiệp
Tiến hành một cuộc khảo sát đánh giá (sau can thiệp): Điều tra thực địa và phân tích số liệu
Tổ chức một cuộc hội thảo phổ biến kết quả dự án
Hoàn thiện các tài liệu chuyên môn theo đóng góp trong hội thảo và đệ trình cho lãnh đạo Sở Y tế để có được sự thực hiện ở quy mô rộng hơn.
8. Điều hành và đánh giá hiệu quả dự án
8.1 Ban chỉ đạo dự án:
Thành phần ban chỉ đạo dự án:
1 đại diện Sở Y tế Hà Nội
1 đại diện của Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Quốc tế
1 đại diện của Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương
1 đại diện của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo dự án
1. Tổ chức họp 6 tháng 1 lần đánh giá kết quả hoạt động vừa qua, thông qua lịch làm việc do ban quản lý dự án đệ trình
2. Xem xét và thống nhất kế hoạch hoạt động cũng như các khoản kinh phí liên quan của các hoạt động chính của dự án
3. Hỗ trợ các ban ngành liên quan trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động
4. Điểm lại kế hoạch hoạt động và bảng phân bố kinh phí 6 tháng 1 lần
5. Là đầu mối hợp tác với các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ
8.2 Ban quản lý dự án
Thành phần của Ban quản lý dự án
-Giám đốc BV Mai Hương làm trưởng ban
-Phó Giám đốc thường trực BV Mai Hương làm phó ban
-1 đại diện của phòng tài chính kế toán của BV Mai Hương
-Thư ký dự án
Nhiệm vụ của Ban quản lý dự án
1. Tổ chức triển khai thực hiện, quản lý toàn bộ hoạt động và chi tiêu kinh phí của dự án trên cơ sở kế hoạch đã được Ban chỉ đạo dự án thông qua
2. Tổ chức họp hàng tháng để đánh giá tình hình thực hiện của dự án và thống nhất lịch làm việc của các tháng tiếp theo bao gồm cả các yêu cầu bằng văn bản về những thay đổi trong Bảng kinh phí cũng như lịch hoạt động
3. Hỗ trợ, theo dõi, giám sát các hoạt động của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện dự án
4. Giám sát các hoạt động của dự án, thông qua các hoạt động cũng như báo cáo tài chính của dự án trước khi trình lên Ban chỉ đạo dự án
8.3 Chế độ thực hiện hoạt động và tài chính dự án:
1. Hoạt động
Phân bổ kinh phí hàng năm phải được Ban chỉ đạo dự án thông qua vào đầu mỗi năm.
Các quy định về sổ sách, kế toán và báo cáo phải được Ban chỉ đạo dự án thông qua vào đầu năm
6 tháng 1 lần, BV báo cáo kết quả thu chi với đầy đủ thông tin yêu cầu
Bất cứ thay đổi đối với các hoạt động phải có sự thống nhất giữa BV, Sở Y tế và Trung tâm SKTT Quốc tế.
Việc chi tiêu vượt quá kinh phí phân bổ hay chuyển rời quỹ từ khoản ngân sách này sang khoản khác cần dưới sự thống nhất bằng văn bản giữa BV, Sở Y tế và Trung tâm SKTT Quốc tế.
2. Tài chính và quản lý các trang thiết bị
Kinh phí của dự án sẽ được giải ngân theo các hoạt động đã được thống nhất dựa trên việc định hình cụ thể các chi phí và nguồn lực để hoàn thành mỗi hoạt động.
BV Mai Hương có trách nhiệm giữ các bản gốc chứng từ của dự án và có trách nhiệm sao gửi các chứng từ cho Sở Y tế lưu.
Các trang thiết bị và tài liệu truyền thông được sử dụng cho các hoạt động dự án sẽ thuộc sở hữu của BV Mai Hương sau khi dự án kết thúc.
Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm hỗ trợ BV Mai Hương trong tất cả các vấn đề liên quan đến việc miễn thuế, không chỉ giới hạn ở thuế nhập khẩu và thuế GTGT.
8.3 Phân tích hiệu quả dự án
- Tập huấn cho cán bộ y tế trường học và y tế cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết và kiến thức của họ về SKTT và hậu quả của các vấn đề SKTT với học sinh trường học. Đưa các học sinh có vấn đề SKTT vào thăm khám, điều trị thường xuyên và cung cấp cho các em và gia đình các em những kỹ năng chỗng đỡ và ngăn ngừa bệnh tâm thần
- Phát triển tài liệu hướng dẫn chuyên khoa cho cán bộ y tế. Nội dung tài liệu này bao gồm các bước thăm khám nhận diện, đánh giá và can thiệp đối với những trẻ em có vấn đề SKTT và sẽ được sử dụng trong công việc hàng ngày của cán bộ y tế.
- Thành lập một mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em tại BV Mai Hương có sự lồng ghép với y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em tại Hà Nội.
- Phát triển một chương trình truyền thông GDSK qua nhiều hình thức
- Mở rộng và tăng cường năng lực các dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em.
- Đánh giá sự hữu ích của các tài liệu hướng dẫn và mô hình hệ thống CSKT TT trẻ em trường học và đưa ra các khuyến nghị cho Bộ Y tế trong việc nhân rộng mô hình dịch vụ này và bổ sung vào các hướng dẫn CSSK do Bộ Y tế ban hành.
9/ Tính bền vững của dự án:
Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần học đường sẽ được duy trì dựa trên kiến thức mà lãnh đạo các cấp và các nhân viên y tế đã được tập huấn.
Nhận thức của công chúng về sức khỏe tâm thần được nâng cao
Để đảm bảo rằng tất cả mọi hoạt động của dự án sẽ được duy trì khi kết thúc dự án, Sở Y tế Hà Nội sẽ chỉ đạo lãnh đạo BV Mai Hương, các trung tâm y tế phường,(và Sở Giáo dục Hà Nội sẽ chỉ đạo lãnh đạo các phòng giáo dục và các trường) trích một phần kinh phí trong nguồn ngân sách thường xuyên của mình hỗ trợ cho các hoạt động này. Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát các nội dung này thông qua các chuyến kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc đột xuất.
(Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường)
Thông tin liên quan
- Mời báo giá gói thầu: Mua máy điện tim 6 cần năm 2024
- Yêu cầu báo giá
- THÔNG BÁO TUYỂN SINH
- BỆNH VIỆN TÂM THẦN BAN NGÀY MAI HƯƠNG ĐƯỢC SỞ Y TẾ HÀ NỘI CHẤP THUẬN ĐÀO TẠO THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO NGHỊ ĐỊNH 96/2023.
- Sức khỏe tinh thần hay sức khỏe tâm thần cũng cần được chăm sóc không kém gì vẻ bề ngoài của bạn.
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ BỊ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
- Cách quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại gia đình, cộng đồng
- Cảm xúc tiêu cực
- NGHIỆN CỜ BẠC: TỶ LỆ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
- Xét nghiệm gene có chẩn đoán được rối loạn phổ tự kỷ